++ CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM BLOG CỦA LÊ HIẾU ++ MONG CÁC BẠN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN ĐỂ BLOG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN HƠN ++

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Người Mẹ

Vũ Lưu Xuân
Nắng sáng xuyên qua kẽ lá thưa, trong vắt như giọt thuỷ tinh, hanh hanh vàng. Những tiếng chim sớm không đủ làm xôn xao bầu trời tai tái, tĩnh lặng, đang lờ đờ ngả sang đông. Ông già đầu điểm bạc, ngồi trước giá vẽ, bất động, cố tập trung. Cạnh ông là một cô gái.
Cô, dáng vật vờ, vô hồn, cặp mắt thẫn thờ, tê liệt, hướng vào một khoảng không gian dường như không chiều sâu, dường như không mầu sắc, mọi hình khối dường như nhạt nhoà. Ông già lấy thỏi than, bắt đầu phác thảo. Ở trung tâm bức tranh, chếch xuống phía dưới, xuất hiện một hài nhi, mới chào đời. Đứa bé đang khóc, đôi mắt chưa kịp mở đã nhắm khít lại, nhỏ như sợi chỉ. Ông húng hắng ho làm cô gái giật mình, cô liếc sang, trên khuôn mặt lạnh, buồn chợt loé lên một đốm sáng nhỏ, cô tò mò:
-Bác là hoạ sĩ?
-Chỉ là thứ nghiệp dư. Mà cháu này, bác ghét gắn cho mình mọi chữ sĩ, nó trói cuộc sống vào những cái khuôn. Còn cháu, cháu có thích vẽ không?
-Cháu đang học trường mỹ thuật, năm thứ hai.
-Vậy hả? Thế là bác cháu mình có một điểm gặp nhau.
Giọng ông chậm rãi, khàn đục, tầm nhìn không rời giá vẽ. Cô gái mất dần vẻ băng giá:
-Bác đang vẽ gì đó?
-Thoáng suy nghĩ nhỏ thể hiện qua hình ảnh một sinh linh chào đời.
-Thường thì nó có được đón nhận không?
-Nó có quyền xuất hiện, bất chấp mọi nghịch cảnh.
-Kể cả nghịch cảnh của cha mẹ?
-Đúng, cha mẹ không thể khước từ, một khi đã hình thành ra nó, nó có quyền được làm người, góp mặt. Đứa bé bước vào cuộc đời, không hào quang, cuộc đời mênh mông, bất trắc là một dấu hỏi lớn đang chờ khám phá.
Câu trả lời hình như khiến cô quan tâm, suy nghĩ, cô lại rơi vào trạng thái bất động. Ông già ngừng tay, nhìn cô gái. Ở cô, một chút xanh xao phớt trên gò má, một chút chán chường, cay đắng hiện lên đôi mắt, một chút ngậm ngùi, đau đớn thoát ra từ dáng dấp ray rứt, vời vợi đăm chiêu. Ông già thở dài, ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi. Ông trở về với công việc. Trên khung vải xuất hiện thêm một phụ nữ, trong tư thế nghiêng mình, cúi xuống, một tay đỡ đầu, một tay đắp cho đứa bé bằng tấm áo choàng thủng lỗ chỗ. Nét mặt phụ nữ đầy vẻ thánh thiện, dịu dàng. Cô gái ngẩng đầu quay sang, cô chăm chú nhìn phác thảo chân dung người mẹ:
-Cảm xúc gì sẽ hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ?
-Vừa lo lắng, vừa hạnh phúc. Vượt lên tất cả vẫn là niềm vui, hạnh phúc tràn đầy.
Cô gái đứng lên:
-Bác không nghỉ à? Trưa rồi, cháu phải về.
- 0 –
Nắng bắt đầu nghiêng nghiêng về chiều, mùa đông vàng vọt, gió lao xao. Khung vải xuất hiện thêm người đàn ông. Người đàn ông trong tư thế nửa ngồi, nửa quỳ trên nền đất lạnh, thân hình cúi xuống, khuôn mặt vuông vức, quyết đoán, nổi lên những đường gân, ông với tay giúp vợ đắp kín tấm áo choàng rách cho đứa hài nhi.
Dưới hai hàng cây cao, xuất hiện một chàng thanh niên, đầu cúi thấp, dáng mệt mỏi, căng thẳng. Chàng chợt dừng lại, chú ý tới ông già:
-Bác đang vẽ gì thế?
-Một cuộc sống bắt đầu hình thành giữa muôn vàn bất trắc. Mà cháu có thích vẽ không?
-Cháu đang học trường mỹ thuật, năm thứ tư.
Ông già ngẩng lên, nhìn chàng trai:
-Lại một sinh viên mỹ thuật. Hình như cháu có tâm sự, đúng không?
Chàng trai thở dài, lảng sang chuyện khác:
-Theo bác, lúc đứa bé chào đời, tâm trạng cha mẹ chúng thế nào?
-Mỗi đứa bé chào đời là một niềm vui, một tự hào, một sức mạnh gắn bó cha mẹ nó vào cuộc sống, đồng thời cũng gắn cha mẹ nó vào trách nhiệm, vào nỗi khổ cực, vất vả, đôi khi là đắng cay.
Chàng trai thở dài, cúi đầu, lầm lũi bước đi.
- 0 -
Lại thêm một buổi sáng mùa đông, trời như pha chì loãng, đè nặng thêm. Cô gái tới, đứng sau lưng ông già, cô hơi ngạc nhiên trước khung vải trắng, không nét vẽ:
-Bác này, bức phác thảo hôm qua đâu rồi?
-Bỏ rồi, nó chưa đạt.
Ông quay lại nhìn cô gái, ánh mắt xoáy sâu:
-Theo cháu, người mẹ đẹp nhất vào lúc nào?
Cô suy nghĩ mung lung, rồi ngập ngừng:
-Có lẽ lúc đang cho con bú, đúng không bác?
-Bác cũng nghĩ vậy. Người mẹ đã dùng một phần cơ thể mình truyền sức sống cho con. Bầu ngực trần, no tròn, không mảy may gợi dục, mà thoát lên vẻ đẹp thanh khiết, thiêng liêng.
Ông chợt hỏi:
-Cháu tên gì vậy?
-Cháu tên Mai.
Ông nói thật nhỏ:
-Mai là tên một loài hoa, có sức chịu đựng trong bão tuyết, cũng có nghĩa là một ngày mới bắt đầu.
Ông lại cắm cúi phác thảo, từng nét đắn đo, chậm rãi, và cô gái lại chìm vào thế giới riêng, thế giới có lẽ tối, giống như khuôn mặt cô vướng vất nỗi buồn.
Dưới nét than mềm mại từ từ xuất hiện hình ảnh người mẹ trẻ, đang cho con bú. Khuôn mặt cúi xuống, đằm thắm yêu thương. Đứa bé nằm gọn trong vòng tay che chở, mắt nhắm, yên bình.
Ông ngừng tay, chợt hỏi:
-Cháu có nỗi buồn giấu kín, đúng không?
Cô nhìn ông già, ngập ngừng. Ông tiếp:
-Mai này! Cháu thấy bác có đáng tin cậy không?
Cô không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nói bâng quơ:
-Cuộc sống hầu như có quá nhiều thử thách vô phương vượt qua, đúng không bác?
-Muôn vàn thử thách thì đúng đó, nhưng vô phương vượt qua thì chưa chắc đâu. Cháu thử cho một thí dụ đi.
-Chẳng hạn cô gái lần đầu yêu say đắm một chàng trai, cô muốn sống đến tận cùng cảm xúc của mình. Kết quả một bào thai hình thành trong bụng.
Cô ngừng lại, lúng túng. Ông hỏi:
-Ý cháu muốn nói vì một lý do nào đó, chàng trai không có ý định tiến tới hôn nhân phải không nào?
Cô gái không trả lời, đầu cúi gục, đôi vai như rung lên. Một lúc lâu, cô mới ngập ngừng:
-Vậy theo bác, trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc, cô gái nên làm gì?
-Cô gái ấy tên Mai, phải không cháu?
Ông nhìn cô gái, chờ câu trả lời.
-Bác thử cho cháu một lời khuyên đi.
-Bác rất ngại đưa ra những lời khuyên nhân danh đạo đức. Bác không phải ông toà, không phải nhà luân lý, cũng không phải nhà thuyết giáo. Pháp luật, đạo đức và tôn giáo đều không có luật trừ. Ở đó con người cụ thể trong cảnh ngộ cụ thể biến mất, tất cả bị đồng hoá thành một mẫu số chung. Vậy cháu quyết định thế nao?
Không hiểu vô tình hay cố ý đánh rơi chiếc khăn tay, cô lặng lẽ cúi xuống nhặt. Lúc ngước lên, đôi mắt buồn đỏ hoe, lời nói buốt lạnh như một nhát dao đưa:
-Cháu định phá thai.
Không gian chợt vắng lặng. Nét mặt ông già căng thẳng. Sau tiếng thở dài, ông chậm rãi, đắn đo từng lời:
-Đó là một chọn lựa quan trọng trong tình thế chẳng đặng đừng. Cháu nên nhớ, mọi chọn lựa đều có cái giá phải trả, cần thận trọng.
Ông tiếp:
-Bác hỏi thật, chàng trai ấy là ai vậy?
-Người ấy cũng học mỹ thuật, trên cháu hai lớp.
-Anh ấy biết cháu có thai chứ?
-Lúc cháu báo tin, anh ấy hoàn toàn căng thẳng, có vẻ bực bội, và cháu bỏ đi.
Ông dừng lại suy nghĩ hơi lâu:
-Lúc nãy cháu nói tới hai chữ bế tắc. Mà sao lại bế tắc?
-Vì cháu không đủ sức một mình gánh vác nỗi nhọc nhằn. Vì không thể sinh con giữa lúc còn đi học. Sinh con là tự huỷ hoại tương lai.
Ông nhìn sâu vào đôi mắt bắt đầu mọng nước của cô gái. Cô thu mình, nhỏ bé và cô đơn.
-Mai này, cháu hãy cố đợi dăm ngày, sau đó bác sẽ đề nghị với cháu một giải pháp, được không?
Cô đứng dậy, nhìn ông đăm đăm, không trả lời, chỉ gật đầu.
- 0 –
Cô gái đi khỏi khoảng một giờ, chàng thanh niên lại tới. Chàng trai ngồi trên ghế đá, cạnh ông già.
-Bác thay phác thảo à? Đến đâu rồi?
-Còn thiếu một nhân vật quan trọng: người cha.
-Người cha ấy thế nào?
-Độ lượng, bao dung, và rất mực thương yêu vợ con.
Dưới nét than, người đàn ông xuất hiện, vẻ nghèo khó, thân khoác một tấm áo mỏng. Người cha đứng, mắt hướng vào hài nhi đang bú mẹ. Một tay ông choàng qua lưng thiếu phụ, một tay kéo tấm áo thủng lỗ chỗ, cố che kín đôi chân nhỏ bé của hài nhi.
-À này, cháu tên gì nhỉ?
-Cháu tên Đông.
-Đông Mai, hợp đấy. Cây Mai sẽ đủ sức vượt qua bão tuyết giữa trời mùa Đông.
-Bác nói gì?
Ông chợt hỏi:
-Cháu quen một người con gái tên Mai phải không?
Chàng thanh niên ngạc nhiên:
-Sao bác biết? Mấy hôm nay cháu đang đi tìm cô ta.
-Chi vậy?
-Để hỏi cô một điều: cô có chịu lấy cháu không?
-Thật chứ? Cháu nói thật chứ?
-Đó là quyết định cuối cùng, sau những dằn vặt, cân nhắc.
-Vậy là đang có sự hiểu lầm. Cháu phải gặp cô ấy. Nỗi bất hạnh tàn phá cuộc đời nhiều khi đến từ những ngộ nhận nhỏ nhoi, không đâu vào đâu. Để bác giúp cháu nhá.
- 0 -
Thời gian qua. Lại một buổi sáng, sáng ngày thứ ba. Bức phác thảo đã xong, và ông ngồi chờ. Cuối cùng cô gái đến. Lúc ấy, trời chợt tươi tắn, hanh vàng. Nắng mềm trôi từng đợt theo tà áo lụa Hà Đông. Ông nheo mắt ngắm cô gái từ xa bước lại, như một tác phẩm chưa hoàn tất. Cô tới ngồi bên ông già.
-Phác thảo xong chưa bác?
-Xong rồi. Cháu xem có được không?
Cô gái lúi ra xa, nheo một bên mắt:
-Nó giống như cách thể hiện mới khung cảnh Giáng sinh.
-Đúng đó, bác muốn thể hiện một Giêsu trần trụi, không sinh ra trong vầng hào quang. Việc nhập thể phải là lựa chọn triệt để nhất thân phân làm người. Ngoài ra, điều bác quan tâm chính là cảm xúc của cha mẹ khi đón nhận đứa con. Cháu thấy sao?
Cô gái có vẻ thực sự xúc động, cô lập lại:
-Cảm xúc của cha mẹ.
Mắt cô thoáng mơ màng, hướng tới một không gian hình như đã có chiều sâu, có mầu sắc và hình khối.
-Mai này, trưa nay cháu ở lại đây với bác, được chứ?
Ông lấy tấm vải dầu, trải trên cỏ, bầy ra ít món ăn khô:
-Buổi trưa ngồi một mình, buồn quá.
Và chàng trai đến, sớm hơn mọi ngày. Hai người nhìn nhau, ngỡ ngàng.
-Em cũng ở đây à?
Cô gái cố ra vẻ lạnh lùng:
-Em đến xem bác vẽ.
Ông già đứng dậy, châm điếu thuốc rồi bỏ đi. Lâu sau ông quay về, đôi trai gái đang ngồi bên nhau thì thầm. Ông hắng giọng:
-Hai cháu giúp bác một việc được không?
-Nếu bọn cháu đủ khả năng.
-Được mà, với các cháu được mà. Bức tranh cần hoàn tất sớm, thời gian không chờ đâu, mà bác lại có việc phải đi. Hai cháu cố tiếp tục công việc hộ bác.
Chàng trai đắn đo:
-Theo bác nên bố cục màu thế nào?
-Bác nghĩ gam chủ đạo là mầu lạnh, u ám, phù hợp với trời mùa đông, đó là hình ảnh cuộc đời vây quanh, cuộc đời giăng đầy vướng mắc, cay đắng, xót xa. Ở chính giữa bức tranh thêm một chút gam mầu nóng, độ tương phản không gay gắt, nhưng đủ thể hiện niềm hạnh phúc ấm áp từ cuộc sống toát lên.
-Bọn cháu hiểu ý bác.
Cuộc trò chuyện kéo dài đến xế chiều. Trước khi đi, cô gái lấy bút ghi một mẩu giấy nhỏ, dúi vào tay ông già:
Chỉ còn mấy tiếng nữa là đến giờ Chúa sinh ra. Khi một đứa bé chào đời thì đứa khác không thể chết đi. Cháu đã tìm ra lời giải. Cám ơn bác.
Chàng trai xách khung vải đi sát bên cô gái. Ông già nhìn theo, mỉm cười.
- 0 -
Tuần sau, đúng dịp tết dương lịch, cô gái và chàng trai đem bức tranh đã hoàn tất tời tìm ông già. Ông đã đi rồi. Cô gái cất tiếng gọi:
-Bác ơi!
Và không có tiếng trả lời.
Cô gái hạ thấp giọng, câu nói như gió thoảng theo gió bay cao:
-Nét cọ của cháu đã thể hiện được niềm vui trên khuôn mặt người mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét