++ CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM BLOG CỦA LÊ HIẾU ++ MONG CÁC BẠN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN ĐỂ BLOG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN HƠN ++

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Cảm Tưởng Dấu Ấn Đức Tin II

Đức tin mà không hành động là đức tin chết. Nghệ thuật mà không đi vào lòng người là phản nghệ thuật, phi nghệ thuật. Và một khi đức tin đã chết thì làm gì có dấu ấn nào để lại! Vậy làm thế nào để mối liên lạc giữa đức tin và nghệ thuật được phục sinh?

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời hơn 500 nghệ sĩ đến họp với ngài ngay dưới những bức bích họa lừng danh của Michelangelo trong nguyện đường Sixtine. Tổng Giám mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, cho biết cuộc họp này là một trong nhiều sáng kiến nhằm bắc một nhịp cầu nối lại khoảng trống ngăn cách giữa tâm linh và nghệ thuật, đã xảy ra trong những thế kỷ trước. Và tại cuộc họp báo ở Vatican ngày 10/09/2009, Tổng Giám mục Ravasi nói rằng, sự ngăn cách chết chóc giữa hai bên có thể thấy được rõ ràng nơi nghệ thuật và kiến trúc của nhiều ngôi nhà thờ mới, mà theo ngài thì không trình bày được vẻ đẹp mà trái lại còn xấu nữa. Giáo Hội hy vọng cuộc đối thoại có thể giúp cho các nghệ sĩ tìm lại được “tính siêu việt”, đã gợi hứng cho nhà họa sĩ và điêu khắc Michelangelo ở thế kỷ XVI và các nghệ nhân cùng thời với ông, đã tạo thành những công trình nghệ thuật tôn giáo lẫy lừng trải qua bao nhiêu thế kỷ. Mục đích cuộc họp nhằm tiếp nối những nỗ lực lặp lại mối quan hệ với giới nghệ sĩ đương đại, giống như các vị Giáo Hoàng trước đây từng làm.
Gần bốn mươi năm trước, năm 1971, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có buổi gặp gỡ tương tự như thế với các nghệ sĩ tại Nguyện đường Sixtine, và mấy năm sau đã khai trương bộ sưu tập Nghệ thuật Tôn giáo Thời Hiện đại trong khuôn viên bảo tàng Vatican.
Rồi cách đây mười năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã viết bức thư gửi các nghệ sĩ: “Hỡi tất cả các nghệ sĩ trên thế giới, mọi nẻo đường khác nhau quý vị đang đi đều dẫn tới đại dương mênh mông của cái đẹp, nơi đó ngạc nhiên sẽ trở thành ngỡ ngàng, hoan hỉ và sướng vui khôn tả.” Ngài đã ngợi khen công trình của họ và thúc giục họ cộng tác nhiều hơn giữa Giáo Hội và giới làm nghệ thuật.
Vatican là một quốc gia văn minh tiến bộ, đã từng có những hoạt động nghệ thuật tuyệt vời, vậy mà còn tỏ ra lo lắng như thế, lo có cuộc họp như là một trong nhiều sáng kiến nhằm bắc một nhịp cầu nối lại khoảng trống ngăn cách giữa tâm linh và nghệ thuật, đã xảy ra trong những thế kỷ trước... Còn đất nước Việt Nam chúng ta thì sao? Giáo Hội Việt Nam ta thì sao? Vâng, nơi đây, người dân lao động cật lực, chỉ mong kiếm được ngày hai bữa nuôi thân đã là tạ ơn Chúa rồi, nói chi đến chuyện làm nghệ thuật, quả là điều không tưởng?! Người ta thường nói như thế...
Cũng thế, riêng các vị linh mục và tu sĩ thì hình như thường không được đào tạo hay phát triển nhiều về Mỹ thuật. Mỹ thuật có vẻ là vùng cấm đối với nhiều vị chủ chăn. Cha Nguyễn Văn Trinh kể chuyện thời xưa lúc còn đi du học ở Đức/Bỉ, cha có viết thư xin Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình học Triết học về Mỹ thuật, Đức Tổng trả lời: “Tôi gởi anh đi du học để học môn Mỹ thuật à?!” Hẳn là với sự sáng suốt của một chủ chăn, Đức Tổng Bình thấy có nhiều môn cần cấp bách để học hơn là Mỹ thuật. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà sau 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam thì các chức sắc, các chủ chăn của Việt Nam luôn có một câu: “Đối với mỹ thuật, chúng tôi là người ‘ngoại đạo’.” Đã là ‘ngoại đạo’ thì các ngài vẫn tin là có cái đẹp, nhưng trong hành động, rất nhiều khi đã không đạt tới cái đẹp, không vì cái đẹp. Mà đức tin không hành động là đức tin chết... Đức Tổng Giám mục Ravasi đã từng nói về một sự ngăn cách chết chóc giữa hai bên: đức tin và nghệ thuật...
Nhưng theo qui luật âm dương của Tạo hóa, trong âm luôn có dương, và ngược lại, trong dương luôn có âm. Trong sự chết luôn có mầm sống. Một trong những mầm sống đó là “Triển lãm Dấu Ấn Đức Tin lần II- một cuộc triển lãm lịch sử ở Việt Nam” theo lời Đức Hồng y Gioan Baotixita Tổng Giám mục TP.HCM đã ghi trong sổ cảm tưởng ngày khai mạc hội thảo kỷ niệm 350 năm Thành lập hai Giáo phận Đàng trong và Đàng ngoài. Ủy ban Văn hóa của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống làm chủ tịch, đã đứng ra chỉ đạo và tổ chức cuộc triển lãm lịch sử này vào ngày 09.09.2009 tại Trung tâm Văn hóa Công giáo Việt Nam, số 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.
Tạ ơn Chúa, với sự tham gia của 62 họa sĩ, điêu khắc gia trong và ngoài công giáo, cùng với những chất liệu phong phú như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, đồng, gỗ, poliv…của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam, cuộc triển lãm đã góp phần rút ngắn đôi chút khoảng cách giữa tâm linh tôn giáo và nghệ thuật so với nhiều thập niên trước...
Đọc thêm!

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Các Tác Phẩm Hội Họa Và Điêu Khắc Trong Triển Lãm "Dấu Ấn Đức Tin II"


"Thánh gia" của Bùi Hải SơnCuộc triển lãm “Dấu ấn đức tin II” do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài khai mạc vào lúc 16:00 ngày 9-9-2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

Tham gia triển lãm lần này có khoảng 200 tác phẩm của 62 họa sĩ, điêu khắc gia từ khắp nơi với nhiều đề tài, thể loại sáng tác nhằm tôn vinh tính Thiện Mỹ, mà tính Thiện Mỹ có lẽ cũng là một trong những lý do để Đức Giêsu xuống thế làm người hầu cứu chuộc: “sẵn sàng chấp nhận cái chết, để rồi qua sự phục sinh của Người, Người chứng tỏ rằng Thiên Chúa và tình thương của Người không hề chịu thua cái chết…” (John Bowker, 2003).
Các tác phẩm hội họa và điêu khắc được trưng bày tại đây chủ yếu là tranh, tượng, phù điêu, bao gồm tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh chất liệu tổng hợp, dán giấy và các pho tượng, phù điêu bằng gỗ, composite, đồng, đất nung. Các tác phẩm đã cho thấy sự đa dạng và phong phú về đề tài, thể loại sáng tác như tranh trừu tượng, phong cảnh, hiện thực hoặc tranh, tượng, phù điêu chân dung diễn đạt niềm tin, tình yêu thương, sự kính phục, đức hy sinh và lòng biết ơn của con người được sống bình yên trong tình yêu Chúa.
Trong các bức tranh sơn dầu, tác phẩm “Vì yêu” (60x69cm) của Lương Văn Duy, gam màu lạnh và tối, diễn tả chân dung Chúa Giêsu đang ngẩng mặt lên, đầu tựa vào thập tự giá, vòng gai nhọn quanh đầu.
“Tử nạn” (150x150cm) của Bá Văn thể hiện rất sống động hình ảnh Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá với gam màu nóng: hai màu chính là màu đỏ trên nền tranh màu vàng. Khuôn mặt của Người, với vòng gai tựa như ánh hào quang trên đầu. Hai bên mặt là hình ảnh đối lập giữa sự sung sướng, vui vẻ và sự đau khổ, khốn cùng của loài người.
“Á thánh Têrêsa Calcuta 2” của Vũ Lưu Xuân thể hiện nét khắc khổ, lo âu trên khuôn mặt vị nữ thánh, với cậu bé nằm gọn trong vòng tay bà. Nền tranh màu đỏ cam pha màu tối như màu lửa khói.
“Thánh Phaolô” và “Thánh Phêrô” (120x 80cm, 2009) của Lê Hiếu là hai tác phẩm thể hiện chân dung của hai vị Tông đồ tử đạo. Nền tranh màu xám trắng pha nâu thể hiện sự tận cùng của sa mạc. Hình ảnh một người bị ngã thể hiện bước ngoặt trong cuộc đời của thánh Phaolô: trở về theo Thầy chí thánh Giêsu. Hình ảnh Thánh Phêrô cầm chìa khóa trong vầng sáng biểu trưng cho chìa khóa nước Trời mà Đức Giêsu muốn trao cho ngài. Hai trong số các tác phẩm khác của tác giả là “Chân dung Đức Giám mục Bùi Văn Đọc” và “Chân dung Đức Giám mục Vũ Duy Thống”.
“Niềm tin” (100x60cm) của Quốc Thành, trong gam màu nóng với sắc đỏ cam trên nền tranh xanh lục, diễn tả hình ảnh Đức Mẹ Maria ẩn trong vòng xoáy của nhiều ngọn lửa nhỏ. Hai tay Người nâng niu giọt nước mắt lớn với một sinh linh bên trong,
“Tín hữu K’Ho” (60x80cm) của Minh Hưng là hình ảnh bà cụ người dân tộc ngồi cầm thánh giá với chuỗi Mân Côi trên tay, ánh mắt tin yêu hướng về ánh hào quang từ Thánh giá. Thánh giá biểu trưng cho tình yêu của Chúa qua sự chết để chịu tội thay cho thế gian. Thánh giá không người có lẽ muốn nói Người đã trỗi từ cõi chết.
Các tác phẩm của "Dấu ấn đức tin"
"Tử nạn" của Bá Văn “Á thánh Têrêsa Calcuta 2” của Vũ Lưu Xuân"Thánh Phaolô" của Lê Hiếu
Một số tranh lụa của Phụng Hoàng như “Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong vườn”, “Đức Mẹ và Chúa cầu nguyện” diễn tả Đức Mẹ và Chúa với phong tục tập quán Việt Nam. Sự mềm mại, nhẹ nhàng của người và cảnh vật xung quanh tạo nên vẻ tươi mát, gần gũi, quen thuộc với mọi người.
Các pho tượng, phù điêu đã tạo được ấn tượng lớn trong không gian trưng bày triển lãm. Pho tượng composite dán bạc “Anrê Phú Yên” (cao: 250cm, 2006) của Bùi Hải Sơn đặt trang trọng giữa phòng trưng bày là hình ảnh của vị thánh tử đạo đầu tiên ở Việt Nam (1625 – 1644). Pho tượng chàng trai trẻ trong trang phục áo dài khăn đống đứng thẳng trên bệ, tay phải ôm quyển sách trước ngực, tay trái giơ cao thánh giá, sợi dây thừng quấn chân và chiếc gông dưới chân. Một tác phẩm khác của tác giả là phù điêu composite “Thánh gia” (cao: 350cm, 2008) diễn tả gia đình thánh gồm thánh Giuse đứng thẳng, hai tay buông xuống, Mẹ Maria ngồi ôm Chúa Giêsu đang giang hai cánh tay tựa vào người thánh Giuse.
Các pho tượng, phù điêu bằng gỗ của các tác giả khác thể hiện hình ảnh Đức Mẹ Maria, thánh Giuse bế Chúa Hài Đồng, hoặc thánh Giuse, Mẹ Maria, Chúa Giêsu được đục đẽo dựa theo hình dáng sẵn có của thân cây, một đặc điểm độc đáo của nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Sài Gòn trước đây. Tượng đồng “Hót” của Trần Việt Hưng thể hiện hình ảnh chồng người, hai cánh tay dang rộng tạo hình cây thánh giá (Marguerite, 2001), (Mai Thanh Hải, 2002), (John Bowker, 2003).
Cuộc triển lãm “Dấu Ấn Đức Tin II” là một cuộc triển lãm đặc biệt, ở đó mỗi tác phẩm thể hiện tài năng và thế giới nội tâm của từng tác giả, nhưng giữa họ đều có cùng niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa. Những sắc màu, đường nét, mảng khối, nhịp điệu trên tác phẩm giúp người xem cảm nhận được ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gởi gắm bằng cả công sức và tâm hồn của mình. Có lẽ vì thế mà cuộc triển lãm này đã thực sự tạo nên dấu ấn trong lòng người thưởng ngoạn.

                                                                                       TS. Lâm Quang Thùy Nhiên
Đọc thêm!